Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của luật đất đai
- content:
Như chúng ta đã biết, cơ sở quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là căn cứ vào Hiến pháp. Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. 2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ…”.
-
Thể chế hóa quy định nói trên của Hiến pháp, Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn cho người sử dụng đất trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất.
Để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, người sử dụng đất cần nắm chắc các quy định sau đây của Luật Đất đai năm 2013:
I. QUY ĐỊNH VỀ NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT
Điều 5 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm: 1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức); 2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân); 3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ; 4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo; 5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ; 6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; 7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng có các quyền chung và các quyền giao dịch về đất.
II. CÁC QUYỀN CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT
1. Điều 166 Luật Đất đai 2913 quy định quyền chung của người sử dụng đất: 1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (viết tắt là GCN). 2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất. 3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp. 4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp. 5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình. 6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này. 7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai. Bên cạnh quy định về quyền chung, người sử dụng đất có 08 quyền giao dịch về đất như sau:
Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định: 1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này. 2. Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau: a) Nhóm người sử dụng đất gồm hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này. Trường hợp trong nhóm người sử dụng đất có thành viên là tổ chức kinh tế thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật này; b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp GCN và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.
Cùng với việc quy định các quyền chung và quyền giao dịch về đất, luật cũng quy định quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề của người sử dụng đất.
3. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề.
Theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai, thì quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm: quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề. Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật Đất đai. Các quyền của người sử dụng đất được thực hiện theo thời điểm do Luật đất đai quy định.
4. Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất (Điều 168)
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có GCN. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có GCN hoặc đủ điều kiện để cấp GCN. Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
2. Thời điểm người thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời chuyển nhượng toàn bộ dự án đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê sau khi có Giấy chứng nhận và có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 194 của Luật này.
Các quyền nói trên của người sử dụng đất chỉ được thực hiên khi thỏa mãn các điều kiện sau đây theo quy định của Luật đất đai.
5. Điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định: 1.Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây: a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này; b) Đất không có tranh chấp; c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; d) Trong thời hạn sử dụng đất. 2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này. 3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”.
6. Hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại Điều 503 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 95 và Điều 188 Luật Đất đai 2013, thì việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Điều 15 Hiến Pháp năm 2013 quy định: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Để cụ thể hóa quy định nêu trên, Luật Đất đai quy định các nghĩa vụ của người sử dụng đất.
III. NGHĨA VỤ CHUNG CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT
Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất được quy định tại Điều 170 Luật Đất đai, đó là nghĩa vụ của một chủ thể được xác định dựa trên việc hướng đến đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho chủ thể khác, như: Nhà nước, xã hội và những người sử dụng đất khác, bao gồm các nhóm nghĩa vụ sau:
Thứ nhất, để bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, người sử dụng đất có nghĩa vụ: 1) Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. 2) Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. 3) Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất. 4) Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất. 5) Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.
Thứ hai, để bảo đảm quyền lợi cho các chủ thể khác, người sử dụng đất có nghĩa vụ: 1) Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không. 2) Bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thứ ba, liên quan đến bảo vệ môi trường, người sử dụng đất có nghĩa vụ: tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.
IV. XỬ LÝ VI PHẠM LUẬT ĐẤT ĐAI
Người sử dụng đất vi phạm nghĩa vụ về đất đai và những điều cấm của Luật Đất đai thì tùy theo tích chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, với những quy định của luật nói trên, người sử dụng đất cần phải nắm vững và thực hiện đầy đủ, để tránh những rủi ro không đáng có xảy ra trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất mà luật đã quy định, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình./.
Luật sư-Luật gia: Nguyễn Quốc Tuấn
-