- content:
Cống Vị là một làng trại trong “Thập Tam Trại” - vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long xưa. Qua những nghiên cứu, khảo sát của khảo cổ học, các nhà khoa học đã khẳng định đây là khu vực đã có cư dân sinh sống liên tục từ thời đại đồng thau đến nay.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, phần Dư địa chí, ghi chép. “Tương truyền thời nhà Lý ở xã ấy (xã Lệ Mật, huyện Gia Lâm-nay là phường Việt Hưng, quận Long Biên) có một người sức khỏe rất mực. Hồi đó công chúa nhà Lý đi thuyền chơi, bị những loài yêu quái ở dưới nước làm cho thuyền đắm rồi chết ở sông ấy. Vua nói người nào lặn xuống tìm được xác sẽ hậu thưởng cho. Người ấy liền nhảy xuống sông, đánh chết loài yêu quái dưới nước, cướp được xác công chúa đưa lên bờ. Nhà vua thưởng cho tước lộc. Người ấy nhất thiết từ chối chỉ xin đem dân nghèo ở làng đến phía tây thành Thăng Long. Sau làm chùa Tam Bảo. Có 13 trại lệ thuộc vào đấy, người khá đông”.
Kết quả nghiên cứu khoa học cũng khẳng định Thập Tam Trại đã từng nằm trọn trong phạm vi của Hoàng thành Thăng Long, khu vực được Nhà nước phong kiến rất quan tâm bảo vệ. Chỉ từ khi đắp thành Đại Đô khu vực này mới bị đưa ra khỏi Hoàng thành bị nông thôn hóa, nông nghiệp hóa. “Vùng Thập Tam Trại từ khoảng thế kỷ XVIII đã tiếp nhận những luồng cư dân di cư đến là cư dân từ Lệ Mật (Gia Lâm) tràn sang và cư dân vốn là lính hay những người phục vụ trong kinh thành vua Lê Chúa Trịnh ở lại”. Nghĩa là Thập Tam Trại ra đời vào cuối Lê, đầu Nguyễn. Như vậy Thập Tam Trại - vùng đất nằm ở phía tây thành Thăng Long, có khi nằm trong hoặc cũng có khi bị đưa ra khỏi phạm vi của Hoàng thành. Song vị thế của nó trong sự phát triển chung của Thăng Long là giữ 2 chức năng: Nghỉ ngơi, thưởng ngoạn và hỗ trợ về quân sự của các triều đại phong kiến.
Đầu thế kỷ XIX, trại Cống Vị thuộc Tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, phủ Quảng Đức. Đầu thế kỷ XX thuộc Tổng Nội, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Sau là đại lý Hoàn Long, thành phố Hà Nội. Nay thuộc đất phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội. Theo địa bạ Gia Long 4 (1805), trại Cống Vị có giáp giới: Phía đông giáp thôn Tào Mã trại Giảng Võ; phía tây giáp thành Đại La; phía nam giáp công điền trại Vạn Bảo; phía bắc giáp công điền trại Vạn Bảo.
Đầu thế kỷ XX cả trại có trên 60 gia đình với 260 suất đinh. Trại có 3 giáp, giáp Nhất, giáp Nhị, giáp Ba. Giáp đông suất đinh nhất là giáp Nhất, ít suất đinh nhất là giáp Ba. Trại có 2 họ chính, đồng thời cũng là họ gốc là họ Nguyễn Huy và họ Trương. Khu vực 7,2 ha, trước đây là cánh đồng Dinh rộng lớn, đất đai mầu mỡ với các sản phẩm nổi tiếng là lúa dé cảnh hương thơm được chọn để cống vua với hương vị thơm ngon là xuất xứ tên làng “Cống Vị”.
Sau cách mạng tháng 8, khu Cống Vị gồm 7 làng trại là Vĩnh Phúc 1, Vĩnh Phúc 2, Vĩnh Phúc 3, trại Liễu Giai, trại Cống Vị, trại Kim Mã Thượng, trại Vạn Phúc Thượng.
Năm 1981, thực hiện quyết định của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất tên gọi các đơn vị hành chính ở Hà Nội. Khu phố Ba Đình đổi thành quận Ba Đình. Tiểu khu Cống Vị đổi thành phường Cống Vị. Tháng 4/1981, Hội đồng nhân dân phường Cống Vị được bầu ra, hệ thống chính quyền cơ sở của phường thành lập và đi vào hoạt động.
Đến đầu năm 2000, phường Cống Vị là một trong những phường có diện tích lớn và dân số đông nhất của thành phố Hà Nội. Diện tích 1,78km2. Dân số khoảng 36 nghìn người với hơn 9.500 hộ. Chia thành 17 cụm dân cư, 185 tổ dân phố. Trên địa bàn phường có 6 làng trong Thập Tam Trại xưa là: Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Cống Yên, Cống Vị, Vạn Phúc Thượng và Kim Mã Thượng.
Thực hiện Nghị định số 02/2005/NĐ-CP ngày 5 tháng 1 năm 2005 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính, địa giới hành chính phường Cống Vị đã được điều chỉnh như sau:
- Khoảng 0,01 km2 diện tích tự nhiên và 200 nhân khẩu của phường Cống Vị về phường Ngọc Khánh quản lý.
- Điều chỉnh 0,0558 km2 diện tích tự nhiên và 805 nhân khẩu của phường Ngọc Khánh về phường Cống Vị quản lý.
- Thành lập phường Liễu Giai trên cơ sở 0,53 km2 diện tích tự nhiên và 13.415 nhân khẩu của phường Cống Vị, 0,199 km2 diện tích tự nhiên và 5.226 nhân khẩu của phường Ngọc Hà. Phường Liễu Giai có 0,737 km2 diện tích tự nhiên và 18.641 nhân khẩu.
- Thành lập phường Vĩnh Phúc trên cơ sở 0,737 km2 diện tích tự nhiên và 15,743 nhân khẩu của phường Cống Vị.
Thời điểm chính thức hoàn thành chia tách (1/4/2005), sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, phường Cống Vị còn lại 0,525 km2 diện tích tự nhiên.